BỆNH TIM BẨM SINH CÓ SINH CON ĐƯỢC KHÔNG? LƯU Ý DÀNH CHO MẸ

Hầu hết những phụ nữ sinh ra có bệnh tim bẩm sinh vẫn mang thai, sinh con an toàn như những phụ nữ bình thường. Số ít những phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, việc mang thai đem đến rủi ro cao cho cả mẹ và bé. Vậy bệnh tim bẩm sinh có sinh con được không?

Bệnh tim bẩm sinh có mang thai được không?

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu vào năm 2021, hầu hết những người phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh đều có thể mang thai an toàn, trẻ sinh ra khỏe mạnh với ít hoặc rất ít vấn đề về tim. Điều này đi kèm điều kiện là gia đình phải có kế hoạch trước, trong và sau khi mang thai một cách tỉ mỉ; đặc biệt phải có sự thảo luận với bác sĩ điều trị trước đó để đảm bảo sinh con thành công. 

Một nghiên cứu trên 7.512 trường hợp mang thai của 4.015 phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh diễn ra tại Đức cho thấy, không có phụ nữ nào tử vong, mặc dù có nhiều biến chứng về sức khỏe hơn so với nhóm đối chứng gồm 11.225 trường hợp mang thai ở 6.502 phụ nữ không mắc bệnh tim bẩm sinh.

Ngay cả với những người phụ nữ khỏe mạnh, việc mang thai cũng đã chứa đựng nhiều rủi ro. Do đó đối với phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh, cần phải lưu ý và cẩn trọng hơn vì nhiều nguy cơ cao hơn xuất hiện; thậm chí trong một số trường hợp nặng, bác sĩ khuyến cáo không nên mang thai.

Khi mang thai, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn, thể tích máu và cung lượng tim tăng 30 – 50%, nhịp tim tăng 10-15l/ph và huyết áp giảm đi khoảng 10mmHg do máu đi trực tiếp đến tử cung. Với thai phụ mắc bệnh tim bẩm sinh, đây sẽ là gánh nặng cho tim.

Mức độ rủi ro cụ thể như thế nào sẽ phụ thuộc vào khuyết tật tim, mức độ hoạt động của tim và loại biến chứng (như loạn nhịp timsuy tim…) ở mỗi người. Đôi khi, bác sĩ sẽ can thiệp phẫu thuật hoặc cho sử dụng thuốc để cải thiện sức khỏe của người mẹ trước khi mang thai nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh trong thai kỳ.

Ở phụ nữ đã thay van tim nhân tạo cơ học phải uống thuốc làm loãng máu, điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Mang thai khiến việc kiểm soát tình trạng loãng máu trở nên khó khăn hơn và kém ổn định hơn. Thai phụ có van sinh học, nhiều khả năng sẽ ổn định trong suốt thời kỳ mang thai, nếu tình trạng van tim hoạt động tốt và không có biến chứng nào khác.

Tựu chung, những ảnh hưởng lâu dài của việc mang thai và sinh nở đối với phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Hầu hết thai kỳ khá ổn nhưng một số thai phụ có thể bị tổn thương tim. Đối với thai phụ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, rủi ro cao hơn nhiều và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

mang thai khi mắc bệnh tim bẩm sinh

Phụ nữ mắc bệnh bẩm sinh vẫn có thể mang thai, sinh con an toàn nếu được chuẩn bị tốt trước khi mang thai và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.

Bệnh tim bẩm sinh có sinh con được không?

Hơn 1 triệu phụ nữ trưởng thành ở Mỹ đang sống chung với các dị tật tim bẩm sinh. Đối với hầu hết những người này, việc mang thai và sinh con thành công là điều có thể; nhưng có những rủi ro nên được đánh giá trước khi mang thai hoặc càng sớm càng tốt trong thai kỳ.

Bước đầu tiên trong việc lập kế hoạch mang thai, sinh con là kết nối với bác sĩ tim mạch để thảo luận về cách giữ cho trái tim của mẹ khỏe mạnh nhất có thể. Đồng thời mẹ cũng nên gặp gỡ và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về tim thai trước khi mang thai. Lý tưởng nhất là bác sĩ chuyên khoa tim thai sẽ phối hợp cùng bác sĩ chuyên khoa sản chăm sóc cho mẹ trong thời kỳ mang thai.

Những phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh cần được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng trước khi mang thai, bao gồm: 

  • Kiểm tra toàn diện: Ngay cả khi cảm thấy ổn, bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe tim mạch. Các lựa chọn cận lâm sàng sẽ rất hạn chế trong giai đoạn mang thai, vì vậy việc lập kế hoạch kiểm tra trước khi mang thai rất quan trọng.
  • Thay đổi thuốc: Sự an toàn của người mẹ và em bé là những ưu tiên hàng đầu. Một số loại thuốc tim mạch có thể gây hại cho em bé trong bụng mẹ, vì vậy bác sĩ có thể sẽ thay đổi hoặc điều chỉnh thuốc trong thai kỳ.
  • Các biện pháp can thiệp: tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện hoặc không thực hiện các thủ thuật can thiệp tim trước khi mang thai. Ví dụ, bác sĩ sẽ nong van hai lá trong trường hợp hẹp khít hoặc đóng lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ với lỗ thông lớn.

Bác sĩ tim mạch cũng có thể đề nghị xét nghiệm di truyền để xác định nguy cơ em bé có thể bị di truyền khuyết tật tim bẩm sinh từ mẹ không. Nguy cơ trung bình để trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh là 0,5-0,8%. Khi cha hoặc mẹ mắc bệnh tim bẩm sinh, nguy cơ mắc bệnh là khoảng 4-7%.

Tùy thuộc vào tình trạng của người mẹ, em bé có thể có nguy cơ bị nhẹ cân, hội chứng suy hô hấp hoặc sảy thai. Đội ngũ y bác sĩ sẽ theo dõi thai nhi chặt chẽ trong suốt thai kỳ. Đồng thời cũng sẽ theo dõi người mẹ để phát hiện rối loạn nhịp tim hoặc suy tim.

theo dõi thai kỳ chặt chẽ

Để đảm bảo sinh con an toàn, mẹ mắc bệnh tim bẩm sinh cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ tim bẩm sinh trong suốt thai kỳ.

Nếu quyết định sinh thêm con sau này, những phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh nên được đánh giá lại để xem xét các rủi ro. Lưu ý rằng, một thai kỳ an toàn trước đó không đồng nghĩa lần mang thai tiếp theo cũng sẽ dễ dàng, thành công.

Biến chứng có thể gặp ở mẹ mắc bệnh tim bẩm sinh

Mặc dù nhiều phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sinh con an toàn nhưng việc đánh giá cẩn thận các nguy cơ là rất quan trọng, nhằm đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, đặc biệt tránh các biến chứng có thể xảy ra. 

Các dạng bệnh tim bẩm sinh có nguy cơ cao trong thai kỳ, bao gồm:

  • Tăng áp động mạch phổi;
  • Hội chứng Eisenmenger;
  • Hẹp động mạch chủ nặng hoặc các rối loạn van nặng khác;
  • Bệnh tim do tâm thất độc nhất (trong đó tim chỉ có một buồng đảm nhận bơm máu đi từ tim) hoặc các dạng bệnh tim bẩm sinh tím khác.

Những thời điểm nguy cơ cao có thể xảy ra các biến chứng thai kỳ là từ 28-32 tuần tuổi thai, trong quá trình chuyển dạ và đến hai tuần sau khi sinh. Các biến chứng nguy hiểm thường gặp ở phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh khi mang thai và chuyển dạ, bao gồm:

  • Suy tim;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Tràn dịch phổi;
  • Chảy máu/huyết khối;
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng;
  • Tử vong.

Trong khi đó, các biến chứng thai nhi gồm có: sảy thaithai chết lưusinh non, nhẹ cân và bệnh tim bẩm sinh.

Một số lưu ý khi mang thai đối với phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh

Mang thai là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời của hầu hết mọi phụ nữ. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh, việc mang thai sẽ có nhiều rủi ro hơn và cần được quan tâm đặc biệt.

Một số lưu ý để có một thai kỳ an toàn hơn, bao gồm:

  • Giữ gìn sức khỏe tốt trước và trong khi mang thai; đồng thời tiếp tục duy trì các hoạt động thể dục thể thao như đi bộ, bơi lội. Những phụ nữ có bất thường tim phức tạp nên trao đổi với bác sĩ tim mạch trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục.
  • Tình trạng mệt mỏi thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ, vì vậy bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Tránh xông hơi khô, không tắm trong bồn nước nóng.
  • Trong một số trường hợp, những phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh thuộc tình trạng nguy cơ cao được khuyến nghị không nên mang thai. Các điều kiện rủi ro cao cần lưu ý, bao gồm:
  • Mức oxy dưới 85%;
  • Tổn thương nặng gây tắc nghẽn buồng tim trái (hẹp động mạch chủ, hẹp van hai lá, hẹp đường ra thất trái);Tăng áp phổi nặng;Hội chứng Marfan với động mạch chủ giãn lớn;Tiền sử các biến cố tim mạch trước đó (như rối loạn nhịp tim, đột quỵ, suy tim).

Để biết bệnh tim bẩm sinh có sinh con được không, bạn cần thăm khám, kiểm tra sức khỏe và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa tim bẩm sinh và bác sĩ sản khoa trước khi có kế hoạch mang thai. Bên cạnh đó, bạn cần duy trì lối sống lành mạnh và chọn cơ sở chăm sóc thai kỳ uy tín, có sự phối hợp Sản – Sơ sinh – Tim mạch, với đầy đủ trang thiết bị để được theo dõi sát sao trước, trong thai kỳ và sau khi sinh.

Nguồn: tamanhhospital.vn

Vui lòng chờ trong giây lát...
Đã thêm vào giỏ hàng