ĐAU ĐẦU GỐI KHI ĐỨNG LÊN NGỒI XUỐNG: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống là tình trạng phổ biến mà nhiều người đang gặp phải. Triệu chứng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày. Do đó, ngay khi nhận thấy dấu hiệu khó chịu, người bệnh nên chủ động liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm về sau.

Triệu chứng bất thường ở đầu gối khi ngồi hoặc đứng

Đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống là triệu chứng thường gặp, có thể xuất hiện đột ngột rồi biến mất hoặc kéo dài dai dẳng. Cơn đau chủ yếu xuất hiện vào buổi sáng, đi kèm một số dấu hiệu bất thường như sau: 

  • Vùng khớp bị sưng, đỏ và có cảm giác nóng.
  • Cơ bị yếu, cứng hoặc dính khớp khiến người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện động tác gập và duỗi thẳng đầu gối.
  • Đầu gối phát ra tiếng lụp cụp khi cử động.

đau đầu gối khi đứng

Nguyên nhân đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống

Hiện tượng đau đầu gối khi đứng hoặc ngồi xuất phát từ nhiều yếu tố nguyên nhân khác nhau, cụ thể bao gồm: 

1. Hội chứng đau khớp chè đùi

Hội chứng đau khớp chè đùi là tình trạng đau đầu gối xảy ra do các cấu trúc khớp gối phía trước bị tác động. Các nguyên nhân chính phải kể đến bao gồm:

  • Trật xương bánh chè.
  • Mất cân bằng khối cơ vùng đùi.
  • Vận động quá mức.

Trong đó, vận động quá mức thường là nguyên nhân phổ biến nhất. Điều này đã tạo áp lực lớn cho khớp gối, dẫn đến tình trạng đau nhức khó chịu, về lâu dài còn để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, mất cân bằng khối cơ vùng đùi cũng sẽ khiến các dây thần kinh ở gân, bao hoạt dịch, cơ xung quanh đầu gối bị kích thích. Từ đó, người bệnh rất dễ gặp phải triệu chứng đau nhức vị trí này khi đứng lên ngồi xuống.

2. Ngồi quá lâu

Khi ngồi hơn 6 – 8 giờ đồng hồ mỗi ngày, các cơ và khớp gối rất dễ bị cứng lại, dẫn đến hiện tượng đau nhức khó chịu. Do đó, để hạn chế tình trạng này, việc xây dựng thói quen đứng lên vươn vai, đi lại sau mỗi 30 – 60 phút ngồi là thực sự cần thiết.

đầu gối bị đau khi ngồi

3. Ngồi sai tư thế

Tư thế ngồi không đúng như: bắt chéo chân khi ngồi, ngồi bó gối… sẽ làm tăng áp lực cho bộ phận này đồng thời khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở, dẫn đến đau nhức. Do đó, việc thay đổi thói quen ngồi là vô cùng quan trọng. Tư thế đúng là giữ chân trên sàn, thẳng lưng và có thể sử dụng giá gác chân để giữ đầu gối luôn cân bằng.

4. Đau vùng xương chậu

Khi vùng xương chậu bị tổn thương, người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi ngồi lâu ở tư thế cong đầu gối, ngồi xổm hay đi bộ lên xuống cầu thang. Một số nguyên nhân chính gồm:

  • Khớp gối bị áp lực khi vận động quá mức.
  • Mất cân bằng giữa cơ hông và đầu gối.
  • Chấn thương xương bánh chè.

Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị hiệu quả như:

  • Thực hiện một số bài tập phục hồi chức năng.
  • Đeo nẹp hỗ trợ.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi sau khi tập thể dục thể thao.
  • Sử dụng các loại thuốc giảm đau: Acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil)…
  • Phẫu thuật.

5. Thoái hóa khớp gối

Sau 30 tuổi, tinh trạng thoái hóa khớp gối bắt đầu xuất hiện. Sau 55 tuổi, triệu chứng càng trở nên rõ rệt hơn, đặc biệt là cảm giác đau nhức, khó chịu khi đứng lên ngồi xuống. Đây là dấu hiệu cho thấy sụn khớp và tổ chức xương dưới sụn đang gặp vấn đề. Mặt khớp không còn trơn láng, thay vào đó đã trở nên thô ráp và xù xì, cọ xát vào nhau gây đau mỗi khi vận động. 

6. Tràn dịch khớp gối

Khi lượng dịch trong ổ khớp tăng lên, đầu gối sẽ xuất hiện hiện tượng sưng phù, kèm theo cảm giác nặng nề hơn bình thường. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với các cơn đau nhức khó chịu mỗi khi thực hiện động tác đứng lên, ngồi xuống, duỗi thẳng hoặc đi lại.

7. Bệnh gout

Tinh thể urat lắng đọng trong khớp gối bám vào sụn khớp, sụn chêm và màng hoạt dịch kích thích quá trình viêm và tiết dịch bên trong khớp gối gây nên tình trạng gout. Khi lượng dịch trong ổ khớp tăng, làm cho khớp gối bị sưng phù, người bệnh có cảm giác nặng nề trong khớp, đau khi đi lại hoặc duỗi thẳng, đứng lên hoặc ngồi xuống.

Biến chứng của tình trạng đau đầu gối khi đứng lâu

Tình trạng đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Vị trí này có thể bị sưng lên, bó cứng hoặc thậm chí là biến dạng. Về lâu dài, khả năng vận động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là bại liệt, tàn phế. 

Điều trị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống

1. Phương pháp PRICE

P.R.I.C.E là phương pháp thường được áp dụng cho các trường hợp đầu gối bị đau khi ngồi hoặc đứng.

  • Protect: Bảo vệ, đặt bệnh nhân trong tư thế an toàn
  • Rest: Nghỉ ngơi, hạn chế vận động đầu gối.
  • Ice: Chườm lạnh để giảm viêm.
  • Compression: Băng ép, cố định vùng chấn thương.
  • Elevation: Kê cao đầu gối bị chấn thương.

phương pháp chữa trị rice

2. Sử dụng thuốc

Người bệnh có thể dùng thuốc chống viêm không kê đơn như Acetaminophen, Ibuprofen… trong trường hợp đau đầu gối do viêm. Trong trường hợp không mang lại hiệu quả, sử dụng thuốc kê đơn là giải pháp tiếp theo. Nếu tình trạng càng nghiêm trọng và không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh có thể được chỉ định tiêm Cortisone hoặc một số loại thuốc tiêm bôi trơn khớp.

3. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu giúp đẩy nhanh thời gian phục hồi vết thương sau khi bị rách sụn chêm, viêm xương khớp… Phương pháp này bao gồm các bài tập tăng cường sức mạnh, kéo giãn, xoa bóp nhằm mục đích giảm đau và duy trì đầu gối khỏe mạnh.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được thực hiện khi tình trạng đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống xuất phát từ nguyên nhân rách sụn chêm, thoái hóa khớp… hoặc các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại kết quả. Tuy nhiên, một số rủi ro vẫn có thể tồn tại khi mổ, vì vậy người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng.

phẫu thuật đầu gối

Cách phòng ngừa đau đầu gối khi đứng

Hiện tượng đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống gây cản trở trực tiếp đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày, thậm chí, về lâu dài còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết. Một số hướng dẫn hữu ích có thể tham khảo như:

1. Duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân sẽ tạo áp lực cho các khớp, dễ dẫn đến căng thẳng, làm tăng nguy cơ chấn thương hoặc đau nhức nghiêm trọng. Do đó, việc duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý cũng là cách để bảo vệ đầu gối khỏe mạnh, hạn chế tổn thương.

2. Mang giày dép vừa vặn

Mang giày dép vừa vặn, phù hợp sẽ giữ cho chân luôn trong trạng thái cân bằng, từ đó giúp hạn chế tối đa tình trạng chấn thương đầu gối. Với những ai có thói quen chạy bộ hoặc chơi thể thao, những đôi giày có độ dày phù hợp, êm ái, vừa chân… sẽ là lựa chọn tốt nhất.

3. Luyện tập thể dục thể thao đều đặn

Đây là giải pháp để duy trì cơ, xương, khớp luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, để hạn chế tổn thương đầu gối, các bộ môn ít va chạm như bơi lội, yoga, đi bộ… là lựa chọn nên ưu tiên.

cường độ tập luyện hợp lý

4. Từ bỏ các thói quen không tốt cho đầu gối

Các thói quen như: mang giày cao gót, quỳ gối, gập đầu gối… đều có thể gây hại cho bộ phận này, dẫn đến đau nhức và nhiều vấn đề liên quan khác. Do đó, việc từ bỏ dần là điều cần thiết để hạn chế đau gối.

5. Mang đồ bảo vệ đầu gối

Khi tham gia các hoạt động thể dục, thể thao có nguy cơ té ngã cao như đạp xe, trượt patin, bóng rổ… bạn nên mang đồ bảo vệ đầu gối để tránh chấn thương không mong muốn. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, đây là thói quen tốt nên được xây dựng từ sớm.

6. Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Một chế độ ăn giàu Canxi, Vitamin D… sẽ giúp duy trì và tăng cường sức mạnh cho xương, cơ, khớp. Một số loại thực phẩm có lợi phải kể đến như: cá béo, xương ống, hạt óc chó, sườn, nấm, đậu nành, quả mọng…

Nguồn: tamanhhospital.vn

Vui lòng chờ trong giây lát...
Đã thêm vào giỏ hàng