ĐAU ĐẦU GỐI Ở NGƯỜI TRẺ: NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Đau đầu gối ở người trẻ có thể xảy ra do hoạt động quá sức, chấn thương hoặc bệnh lý. Những nguyên nhân gây bệnh khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

Đau đầu gối là gì?

Không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà người trẻ cũng có nguy cơ mắc phải bệnh lý đau khớp gối. Đây là tình trạng đau ở gối và khu vực xung quanh, xảy ra khi các cơ, dây chằng, gân làm việc quá sức hoặc chấn thương đầu gối. 

Tuy nhiên, đau nhức đầu gối ở người trẻ cũng có thể xảy ra khi những người bình thường ít thực hiện các hoạt động thể chất, đột ngột tăng cường độ luyện tập. Bên cạnh đó, một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cũng có thể gây ra tình trạng này.

 

đau ở khớp đầu gối

Nguyên nhân gây đau đầu gối ở người trẻ

Theo ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, hệ thống BVĐK Tâm Anh, nguyên nhân gây ra tình trạng này rất đa dạng, có thể bao gồm: 

 

1. Hội chứng chè đùi (Patellofemoral)

Đây là một trong những nguyên nhân rất phổ biến gây ra tình trạng đau đầu gối ở người trẻ. Hội chứng này xảy ra do sự mất cân bằng trong các cơ hỗ trợ và giúp khớp gối di chuyển. Khi cơ đùi yếu hoặc cơ/gân xung quanh gối căng quá mức có thể làm thay đổi cách hoạt động của đầu gối, tạo ra các vùng căng và áp lực bên trong khớp gối. Theo thời gian, những khu vực này có thể bị kích thích và viêm, gây đau xung quanh xương bánh chè và phía trước đầu gối. Người mắc hội chứng này có thể bị đau hoặc cứng khớp gối khi quỳ, ngồi xổm, leo cầu thang…

2. Chấn thương khi chơi thể thao

Những môn thể thao yêu cầu chạy và nhảy nhiều như bóng rổ, bóng đá, quần vợt… dễ dẫn đến đau khớp gối ở người trẻ tuổi. Một số chấn thương thể thao thường gặp là:

 

  • Rách sụn chêm đầu gối: Là tình trạng xuất hiện vết rách ở sụn chêm nằm giữa xương đùi và xương chày.
  • Đứt dây chằng đầu gối: Bao gồm những chấn thương có thể xảy ra ở dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên ngoài và dây chằng bên trong.
  • Viêm gân đầu gối: Các gân đầu gối như gân cơ tứ đầu đùi (nối cơ tứ đầu đùi với xương bánh chè) và gân bánh chè (nối xương bánh chè với xương chày) bị viêm hoặc kích thích do chấn thương.
  • Viêm màng hoạt dịch: Xảy ra khi các bao hoạt dịch ở đầu gối chịu trách nhiệm đệm cho đầu gối bị sưng, viêm.
  • Trật xương bánh chè: Trật xương bánh chè là tình trạng trật bẩm sinh do bất thường giải phẫu, hoặc do chấn thương rách dây chằng cánh trong bánh chè.

 

3. Viêm khớp vị thành niên

Đây là bệnh lý viêm khớp dạng thấp, gây đau, sưng, cứng và suy giảm khả năng chuyển động ở các khớp, bao gồm cả khớp đầu gối.

Viêm khớp phát triển khi lớp sụn bảo vệ bên trong khớp gối bị bào mòn. Tình trạng này dễ gặp ở:

  • Người thường thực hiện các hoạt động xoay người, chạy nhảy hoặc các động tác mạnh khác. Ngoài ra, chấn thương lặp đi lặp lại ở đầu gối cũng có thể làm hỏng sụn, tăng nguy cơ viêm khớp
  • Béo phì. Khi trọng lượng cơ thể tăng cao quá mức sẽ làm tăng áp lực lên đầu gối, từ đó, làm suy yếu lớp sụn và sụn bị phá hủy nhanh hơn.

 

4. Bệnh Osgood – Schlatter

Bệnh Osgood – Schlatter hay còn gọi là viêm điểm bám lồi củ chày. Đây là hiện tượng đau ở khu vực dưới xương bánh chè khoảng 2,5cm. Tình trạng này phổ biến ở nam giới hơn và được cho là do sự hoạt động quá mức của cơ đùi.

 

5. Hội chứng Sinding – Larsen Johansson

Đây là tình trạng viêm kèm theo cảm giác đau và khó chịu ở phần cuối xương bánh chè, tổn thương sụn tiếp hợp tăng trưởng. Chấn thương xảy ra do sự co thắt lặp đi lặp lại của cơ đùi trong một thời gian dài.

Triệu chứng đau đầu gối ở thanh thiếu niên

Các triệu chứng nhức khớp gối ở người trẻ tuổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này:

  • Đau trước đầu gối:
    • Cơn đau dần dần trở nên trầm trọng, đặc biệt là khi vận động
    • Đau âm ỉ, nhức ở các vị trí: sau xương bánh chè, dưới đầu gối hoặc hai bên xương bánh chè
    • Yếu cơ đùi, cơ tứ đầu đùi (triệu chứng muộn)
    • Sụm gối (triệu chứng muộn).
    • Chấn thương đầu gối
    • Nghe tiếng lách cách, lạo xạo ở đầu gối khi cúi người, đi bộ, đi cầu thang…
    • Cứng đầu gối.
  • Bệnh Osgood – Schlatter:
    • Đau ở vùng phía trên lồi củ chày
    • Cơn đau khởi phát và trở nên tồi tệ hơn trong hoặc ngay sau khi hoạt động
    • Giảm tầm vận động
    • Dáng đi thay đổi bất thường
    • Gặp vấn đề về cân bằng.
  • Hội chứng Sinding – Larsen Johansson:
    • Đau, sưng và nhạy cảm ở đáy xương bánh chè
    • Khó khăn trong việc giữ thăng bằng
    • Các vấn đề về dáng đi
    • Cứng khớp đầu gối.
  • Viêm khớp vị thành niên:
    • Khập khiễng vào sáng sớm, giảm khả năng chịu lực ở chân bị đau khớp
    • Đỏ, sưng, nóng, cứng và đau khớp
    • Các triệu chứng có thể xuất hiện và biến mất mà không cần điều trị.
  • Viêm khớp do bệnh viêm xương tủy:
    • Đau âm ỉ, cứng và sưng tấy ở đầu gối
    • Khớp phát ra tiếng khi chuyển động
    • Dáng đi không bình thường
    • Yếu chân, khó giữ thăng bằng.

Đau khớp gối khi còn trẻ có nguy hiểm không?

Đau đầu gối ở người trẻ tuổi có thể được điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, việc chủ quan, không thăm khám kịp thời có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác trong tương lai.

Phương pháp chẩn đoán

Đau khớp gối ở người trẻ tuổi có thể được xác định thông qua tìm hiểu bệnh sử, khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.

 

tìm hiểu bệnh sử xương khớp

Tìm hiểu bệnh sử

  • Nguyên nhân nào gây đau đầu gối? (va chạm, chấn thương hoặc thực hiện một số cử động nhất định)
  • Cơn đau bắt đầu xuất hiện từ lúc nào?
  • Khu vực đau?
  • Mức độ đau? Cơn đau có ảnh hưởng giấc ngủ không?

Khám lâm sàng

  • Kiểm tra khớp gối và độ ổn định của đầu gối
  • Phạm vi chuyển động của hông và đầu gối
  • Khả năng chịu lực của cẳng chân, xương bánh chè và đùi
  • Mức độ dẻo dai, săn chắc của cơ đùi.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang: Kiểm tra xương
  • Chụp CT hoặc MRI: Xem xét tổn thương ở các mô mềm như gân, dây chằng…

Cách điều trị đau đầu gối ở người trẻ tuổi

Bác sĩ An Duy cho biết, các phương pháp điều trị đau nhức đầu gối ở người trẻ tuổi thường khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

 

đầu gối hoạt động quá mức

 

  • Đau do hoạt động quá mức:
    • Chườm lạnh (sử dụng túi chườm hoặc bọc đá vào khăn/vải mỏng) tối đa 20 phút mỗi lần, giúp giảm viêm và sưng
    • Uống thuốc chống viêm như ibuprofen, naproxen hoặc aspirin… để giảm đau và sưng
    • Nghỉ ngơi, dừng các hoạt động gây đau để các mô có thời gian lành lại
    • Nâng đầu gối bị đau lên cao hơn tim khi đang ngồi để giảm sưng
    • Dùng băng ép đàn hồi (băng thun) quanh đầu gối nếu được bác sĩ đề nghị
    • Tập vật lý trị liệu giúp giảm đau, giảm sưng, tăng sức mạnh và tính linh hoạt, cải thiện phạm vi chuyển động, tốc độ, độ bền, khả năng phối hợp và cân bằng
    • Giảm cân nếu cần thiết.
  • Bệnh Osgood – Schlatter:
    • Giảm đau bằng cách uống thuốc chống viêm
    • Chườm đá để giảm sưng đau
    • Tập thể dục đều đặn
    • Giảm đau và khó chịu bằng thủy liệu pháp (điều trị bằng nước) và/hoặc điện xung trị liệu.
  • Hội chứng Sinding – Larsen Johansson:
    • Uống thuốc chống viêm để giảm đau
    • Chườm đá để giảm sưng đau
    • Tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh cơ khớp
    • Giảm đau và khó chịu bằng thủy liệu pháp và/hoặc điện xung trị liệu
    • Xoa bóp.
  • Viêm khớp vị thành niên:
    • Tuân thủ chương trình tập luyện để tăng cường sức mạnh cơ bắp
    • Sử dụng nẹp và/hoặc dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định
    • Cân nhắc sử dụng thủy liệu pháp
    • Thăm khám bác sĩ thuộc chuyên khoa thấp khớp.
  • Viêm khớp do bệnh viêm xương tủy:
    • Liệu pháp nhiệt lạnh
    • Sử dụng thủy liệu pháp và/hoặc điện xung trị liệu
    • Tập thể dục thích hợp
    • Các phương pháp điều trị mô mềm, bao gồm liệu pháp phóng thích myofascial (là một loại kéo giãn giải phóng sự căng cứng và đau do hội chứng đau cơ) và xoa bóp.
  • Phẫu thuật:

Hầu hết các trường hợp đau đầu gối không cần phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ được đề nghị nếu các biện pháp bảo tồn không phát huy hiệu quả như mong đợi, cơn đau ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong trường hợp rách nhiều mô mềm, chấn thương làm gãy xương.

Các hình thức phẫu thuật thường gặp bao gồm:

    • Cấy ghép sụn khớp
    • Khâu, cắt lọc sụn chêm
    • Tái tạo dây chằng.

Cách phòng ngừa đau khớp gối ở người trẻ tuổi

 

phòng ngừa đau khớp gối ở người trẻ

 

Hầu hết các cơn đau nhức khớp gối ở người trẻ có nguyên nhân từ chấn thương hoặc hoạt động quá sức (không phải do tình trạng sức khỏe) có thể được ngăn ngừa bằng các biện pháp sau: 

  • Mang giày phù hợp khi vận động, sử dụng đệm đầu gối và miếng lót chân nếu cần thiết. Thay giày dép và các thiết bị vận động đã cũ
  • Tập luyện đúng cách và bài bản, luôn khởi động đầy đủ và thực hiện các bài tập hạ nhiệt sau khi tập luyện
  • Giữ cho cơ bắp, đặc biệt là cơ đầu gối linh hoạt và mạnh mẽ thông qua các bài tập yoga hoặc kéo giãn phù hợp
  • Chú ý đến các cơn đau, không tiếp tục các hoạt động gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng đau đầu gối./.

 

Nguồn: tamanhhospital.vn

Vui lòng chờ trong giây lát...
Đã thêm vào giỏ hàng