SỨC KHỎE TIM THAY ĐỔI THẾ NÀO KHI CÓ THỂ GIÀ ĐI?

Đau tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi cơ thể già đi.

Tim và mạch máu dễ bị tổn thương hơn khi bước qua tuổi 65, làm tăng nguy cơ mắc bệnh do mảng bám tích tụ trong động mạch vành, lưu lượng máu đến cơ tim bị giảm. Những tình trạng này có thể biểu hiện giống nhau, khó xác định.

Xơ vữa động mạch: Tình trạng này phát triển khi mảng bám tích tụ trên thành trong của động mạch. Cuối cùng chúng làm cứng, thu hẹp các động mạch. Điều này hạn chế lưu lượng máu giàu oxy đến bộ phận khác của cơ thể. Lão hóa, huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch.

Đau thắt ngực: Biểu hiện là cảm giác tức ngực, nguyên nhân có thể do căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc. Triệu chứng xuất hiện nhiều hơn ở người lớn tuổi, tương tự như một cơn đau tim nhưng không nguy hiểm. Đây có thể là triệu chứng của một bệnh tim tiềm ẩn.

Suy tim: Đặc điểm là khó thở, mệt mỏi, sưng chân, tình trạng này có thể gây tử vong ở người lớn tuổi. Tình trạng này xuất hiện khi tim không còn có thể bơm máu đúng cách. Suy tim xảy ra từ từ theo thời gian, trầm trọng hơn khi già đi. Lựa chọn lối sống lành mạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa suy tim.

Các van có thể hoạt động kém hiệu quả: Trái tim có 4 van đóng mở để giữ cho máu lưu thông theo đúng hướng. Theo thời gian, các van có thể dày lên, cứng lại hoặc bị rò rỉ, khiến tim khó kiểm soát lưu lượng máu hơn.

Nhạy cảm với natri có thể tăng lên: Một số người trở nên nhạy cảm hơn với natri, hoặc muối, khi họ già đi, có thể làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đau tim.

Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn do mảng bám tích tụ trong động mạch, lưu lượng máu đến cơ tim giảm. Ảnh: Freepik

Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn do mảng bám tích tụ trong động mạch, lưu lượng máu đến cơ tim giảm. Ảnh: Freepik

Thành tim có thể dày lên: Tình trạng làm cho trái tim lớn hơn về tổng thể, nhưng có thể làm giảm thể tích của các buồng bên trong tim. Điều này có nghĩa là tim không thể chứa nhiều máu hoặc trở nên cứng hơn.

Các triệu chứng khác báo hiệu bệnh tim bao gồm: đau ngực dữ dội; mệt mỏi không rõ nguyên nhân, thay đổi đột ngột khả năng tập thể dục; nhịp tim quá nhanh, quá chậm hoặc không đều; lú lẫn và chóng mặt. Nếu gặp những triệu chứng này người bệnh nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Cách bảo vệ sức khỏe tim mạch sau 50 tuổi

Nguy cơ mắc bệnh tim có thể giảm bớt bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo mỗi người nên vận động cơ thể ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Tập thể dục là bước đầu tiên để có một trái tim khỏe. Các bài tập như chạy bộ giúp giảm huyết áp và tăng lưu lượng máu đến tim.

Việc hút thuốc và uống rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tim. Những chất này làm tăng huyết áp và nồng độ chất béo trung tính trong máu, dễ gây bị đột quỵ, suy tim. Vì vậy, mỗi người nên tránh xa thuốc lá, hạn chế rượu bia để bảo vệ sức khỏe trái tim. Bên cạnh đó hãy áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều trái cây và rau quả, hạn chế ăn thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn; cố gắng duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25.

Bất kỳ ai trên 50 tuổi nên thận trọng với các triệu chứng liên quan đến tim như cảm thấy khó thở, mệt mỏi bất thường, đau hoặc khó chịu ở bên trái của ngực trái, chóng mặt cực độ...

Nguồn: Vnexpress

Vui lòng chờ trong giây lát...
Đã thêm vào giỏ hàng