VIÊM BAO HOẠT DỊCH KHỚP HÁNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ

Viêm bao hoạt dịch khớp háng, chính xác hơn là viêm bao hoạt dịch vùng mấu chuyển khớp háng, khiến người bệnh bị đau nhức, hạn chế tầm vận động. Bệnh cần có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Viêm bao hoạt dịch khớp háng là gì?

Viêm bao hoạt dịch khớp háng, chính xác hơn là viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng là tình trạng viêm các túi nhỏ (bursa) chứa chất dịch đệm, bôi trơn các vùng giữa dây chằng và xương tại khớp háng, dẫn đến tình trạng sưng và đau nhức. 

Bệnh thường xảy ra ở những người thường xuyên lặp đi lặp lại một số chuyển động ở khớp háng hoặc lạm dụng khớp. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xuất hiện sau một chấn thương, nhiễm trùng hoặc do những bệnh lý xương khớp ảnh hưởng tới khớp háng.

viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng

Khi viêm, chức năng và hoạt động của bao hoạt dịch sẽ bị suy yếu. Khớp háng có xu hướng tăng tiết hoạt dịch, sưng to có kèm đau nhức, khó vận động. Nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể bị yếu cơ, giảm chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng viêm bao hoạt dịch khớp háng thường gặp

Tình trạng viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng sẽ làm tăng tiết dịch nhầy, dẫn tới tình trạng sưng to và đau nhức nhiều ở khớp háng. Cơn đau tăng khi người bệnh đi lại, vận động nhiều và thuyên giảm khi ngừng hoạt động, nghỉ ngơi. 

Ngoài ra, bệnh có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Cứng khớp.
  • Hạn chế khả năng đi lại và vận động.
  • Khu vực tổn thương bị bầm tím hoặc đỏ.
  • Khi đi lại có tiếng kêu rắc rắc.
  • Khô hay tràn dịch khớp.

Các triệu chứng toàn thân gồm:

  • Thường sốt nhẹ vào buổi chiều tối.
  • Mệt mỏi, suy nhược.
  • Chán ăn.

Nguyên nhân viêm màng hoạt dịch khớp háng

Một số nguyên nhân phổ biến gây viêm màng hoạt dịch gồm:

  • Hoạt động khớp quá mức: Bệnh chủ yếu xảy ra do người bệnh sử dụng khớp quá mức, lặp đi lặp lại một vài chuyển động khiến khớp háng tổn thương. Do có chức năng đệm cho xương, gân và cơ gần khớp, bao hoạt dịch dễ bị ảnh hưởng khi có tác động, làm tăng sức ép trong thời gian dài.
  • Chấn thương: Viêm bao hoạt dịch xảy ra khi người bệnh có chấn thương ở khớp hoặc các mô mềm bao quanh. Bao hoạt dịch thường bị viêm ngay tại thời điểm chấn thương khớp hoặc tiến triển sau khi chấn thương nếu không được điều trị dứt điểm.
  • Bệnh lý: Các bệnh lý tự miễn mạn tính có thể khiến bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng bị viêm. Trường hợp này là viêm bao hoạt dịch thứ phát. Người bệnh gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp, lao xương, lupus ban đỏ, viêm khớp vảy nến, viêm khớp nhiễm trùng… có nguy cơ viêm bao hoạt dịch rất cao.

Viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng có khả năng xảy ra ở bất kỳ độ tuổi và nhóm đối tượng nào. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ tăng cao do các yếu tố như:

  • Tuổi tác: Quá trình lão hóa tự nhiên sẽ khiến sức khỏe và chức năng của bao hoạt dịch khớp suy giảm. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người cao tuổi.
  • Yếu tố nghề nghiệp: Nguy cơ mắc bệnh tăng cao ở nhóm người làm việc quá sức hoặc có công việc ít vận động, ngồi nhiều, đứng lâu một chỗ.
  • Vận động viên: Vận động viên, những người thường xuyên chơi thể thao có nguy cơ cao bị viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp hángg. Đặc biệt là các môn thể thao yêu cầu chuyển động lặp đi lặp hoặc có những hoạt động nhất định gây áp lực lớn lên bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng.
  • Thừa cân béo phì: Tình trạng thừa cân, béo phì có thể làm tăng nguy cơ viêm bao hoạt dịch tại khớp gối và khớp háng.

nguyên nhân viêm bao khớp háng

Người cao tuổi có nguy cơ cao bị viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng

Biến chứng

Nếu có biện pháp can thiệp sớm, viêm bao hoạt dịch khớp háng thường được điều trị khỏi, không gây nguy hiểm. Ngược lại, một số biến chứng có thể xuất hiện ở các trường hợp trì hoãn điều trị như: 

  • Yếu cơ.
  • Teo cơ.
  • Tàn phế, bại liệt.
  • Tăng nguy cơ mắc những bệnh lý xương khớp như thoái hóa khớp háng, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp háng, u nang bao hoạt dịch…

Phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán lâm sàng

Đầu tiên, người bệnh sẽ được kiểm tra các yếu tố nghề nghiệp, tiền sử chấn thương và bệnh sử. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu cung cấp thông tin liên quan tới những triệu chứng bao gồm:

  • Triệu chứng ở khớp:
    • Sưng, đỏ hay bầm tím.
    • Cơn đau: Mức độ và thời điểm đau.
    • Cứng khớp, phạm vi chuyển động cùng khả năng vận động của khớp háng.
    • Tràn dịch khớp hay khô khớp háng.
  • Triệu chứng toàn thân:
    • Mệt mỏi, suy nhược.
    • Sốt.
    • Chán ăn.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Tổn thương bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng gây ra các triệu chứng tương tự những vấn đề xương khớp khác. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán để đánh giá chính xác bệnh lý, mức độ tổn thương.

  • Chụp x-quang: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát mô xương để tìm kiếm các tổn thương, chẩn đoán phân biệt viêm bao hoạt dịch với những bệnh lý xương khớp.
  • Chụp MRI: Chụp MRI giúp quan sát các mô mềm xung quanh khớp, đồng thời kiểm tra lượng máu dồn về khớp và tình trạng dày lên của bao hoạt dịch.
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ tại khớp tổn thương rồi quan sát dưới kính hiển vi. Phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá chính xác về các vấn đề đang diễn ra bên trong khớp.
  • Xét nghiệm máu: Phương pháp được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân viêm bao hoạt dịch khớp háng do nhiễm trùng, lao hoặc do những bệnh lý tự miễn.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng thường được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau:

  • Thoái hóa khớp háng.
  • Viêm khớp háng.
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Gãy xương.
  • Ung thư sụn.
  • Bệnh gout.

Phương pháp điều trị

Điều trị không phẫu thuật

Dùng thuốc

Phần lớn trường hợp đều được chỉ định dùng thuốc để giảm viêm và cải thiện triệu chứng. Tùy theo tình trạng và mức độ nghiêm trọng, một số loại thuốc giảm đau và kháng viêm có thể được chỉ định như: 

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc thường được chỉ định cho các trường hợp sưng đau nhẹ, có kèm sốt. Tác dụng thuốc là hạ sốt và giảm đau hiệu quả.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc có tác dụng giảm sưng đau, giảm viêm từ nhẹ tới trung bình. Các thuốc thường được sử dụng gồm aspirin, ibuprofen, naproxen.
  • Thuốc steroid: Thuốc steroid thường được chỉ định cho các trường hợp viêm nặng. Thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó giảm viêm và đau hiệu quả. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, thuốc có thể được chỉ định dùng bằng đường uống hoặc đường tiêm.
  • Thuốc kháng sinh, kháng lao: Thuốc kháng sinh hoặc kháng lao được chỉ định cho người bệnh tổn thương bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng do nhiễm trùng hoặc lao.

dùng thuốc kháng sinh

Vật lý trị liệu

Người bệnh được hướng dẫn thực hiện các phương pháp vật lý trị liệu khi viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng có kèm cứng khớp, hạn chế khả năng vận động. Các phương pháp này sẽ giúp thư giãn khớp và các mô mềm bao quanh, giảm đau, tăng sự linh hoạt và khả năng vận động cho người bệnh.

Hơn nữa, vật lý trị liệu còn giúp người bệnh kích thích tuần hoàn máu, giảm căng cơ, giảm sưng, hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị viêm bao hoạt dịch. Dựa theo tình trạng của mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ thiết lập chương trình vật lý trị liệu thích hợp, rút ngắn thời gian phục hồi.

Biện pháp chăm sóc tại nhà

Ngoài thuốc và vật lý trị liệu, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm đau, giảm sưng khớp và duy trì khả năng vận động. Các biện pháp gồm:

Nghỉ ngơi

Các tổn thương bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng thường thuyên giảm khi người bệnh ngừng các hoạt động và nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi có thể giúp giảm áp lực lên bao hoạt dịch viêm. Khớp háng và bao hoạt dịch sẽ có thời gian thư giãn. Điều này rất tốt cho quá trình phục hồi của người bệnh.

Tuy nhiên, bạn nên tránh nằm bất động quá lâu trên giường. Thay vào đó nên đi lại nhẹ nhàng khi cơn đau đã thuyên giảm. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng cứng khớp và khó vận động sau này.

Chườm đá

Để giảm sưng và viêm, người bệnh có thể dùng túi đá lạnh chườm lên khớp háng khoảng 15 – 20 phút, chườm 3 lần/ngày. Biện pháp này giúp giảm sưng, đau và viêm hiệu quả, phù hợp với người viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng do chấn thương hay sử dụng khớp quá mức.

Chườm ấm

Biện pháp này phù hợp người viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng do bệnh lý. Tác dụng là thư giãn cơ, xương khớp và các mô mềm xung quanh, đồng thời kích thích quá trình lưu thông máu, giảm sưng và đau rất tốt.

Ngoài ra, biện pháp này còn giúp phòng ngừa, điều trị cứng khớp do tổn thương bao hoạt dịch, tăng lưu thông máu và dinh dưỡng nuôi dưỡng xương khớp, tăng sự linh hoạt và cải thiện chức năng vận động cho người bệnh. Đối với biện pháp chườm ấm, người bệnh sử dụng túi chườm hay chai thủy tinh chứa nước ấm rồi đặt lên khớp háng trong khoảng 15 phút, mỗi ngày thực hiện 3 lần.

Ăn uống lành mạnh

Người bệnh viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng nên ăn uống lành mạnh và đủ dưỡng chất để tăng cường sức khỏe xương khớp và các mô mềm, hỗ trợ giảm đau và giảm viêm. Đặc biệt, người bệnh cần chú trọng bổ sung những nhóm thực phẩm như:

  • Thực phẩm axit béo omega-3: Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích, trứng cá muối, dầu gan cá tuyết, hạnh nhân, hàu…
  • Thực phẩm kháng viêm: Gừng, tỏi, nghệ…
  • Thực phẩm canxi: Sữa, sữa chua, phô mai, các loại hạt và đậu, rau lá xanh…
  • Thực phẩm vitamin D: Lòng đỏ trứng, tôm, nấm, hàu, cá ngừ, cá hồi, dầu gan cá tuyết, sữa…
  • Thực phẩm vitamin C: Cà chua, cam, các loại quả mọng, dưa lưới vàng, kiwi, đu đủ, ớt chuông, bông cải xanh…

Ngoài ra, người bệnh nên kiêng dùng các loại thực phẩm có thể gây phản ứng viêm như thức ăn nhiều dầu mỡ và chất béo, thực phẩm cay nóng, thực phẩm lên men, rượu…

Duy trì vận động

Người bệnh nên duy trì vận động nhằm ngăn ngừa nguy cơ cứng khớp, khó vận động, đồng thời hỗ trợ giảm đau, viêm và sưng. Bạn chỉ nên di chuyển nhẹ nhàng hay thực hiện các bài tập cường độ nhẹ như yoga, dưỡng sinh… Tuy nhiên, người bệnh không nên chạy hoặc đi lại quá nhiều, tránh vận động mạnh để hạn chế nguy cơ khởi phát cơn đau.

Nếu đột ngột bị đau hoặc đau tăng, người bệnh cần dừng ngay mọi hoạt động và nghỉ ngơi. Bạn chỉ nên vận động nhẹ, đi lại sau khi cơn đau đã thuyên giảm.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới khả năng vận động. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể dẫn tới chỉ định phẫu thuật gồm:

  • Điều trị nội khoa không hiệu quả.
  • Người bệnh có nguy cơ xuất hiện biến chứng.
  • Tổn thương không thể phục hồi.
  • Xuất hiện các biểu hiện phá hủy khớp.

Các phương pháp phẫu thuật phổ biến trong điều trị viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng gồm:

Phẫu thuật nội soi ổ khớp

Phẫu thuật nội soi ổ khớp giúp loại bỏ các phần viêm của bao hoạt dịch, qua đó giảm đau và tăng khả năng vận động cho người bệnh. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người bệnh có thể đối mặt một số biến chứng tiềm ẩn như biến dạng khớp, xuất huyết…

Phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp

Khi tổn thương khớp và bao hoạt dịch không thể phục hồi, bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh thực hiện phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp. Phương pháp này dùng bộ phận nhân tạo để thay thế khớp tổn thương, qua đó giúp duy trì khả năng vận động, giảm đau cho người bệnh hiệu quả.

Một số biến chứng tiềm ẩn của phương pháp điều trị này gồm trật khớp, nhiễm trùng, cục máu đông… Tuy nhiên, các trường hợp xuất hiện biến chứng sau phẫu thuật rất ít.

Biện pháp phòng ngừa

Nguy cơ mắc bệnh viêm bao hoạt dịch mấu chuyển khớp háng có thể giảm khi bạn áp dụng một số biện pháp sau:

  • Hạn chế lặp đi lặp lại một số chuyển động ở khớp háng hoặc sử dụng khớp háng quá mức.
  • Sử dụng các biện pháp bảo hộ trong lao động, lái xe, chơi thể thao để ngăn ngừa chấn thương.
  • Cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc, tránh hoạt động quá sức.
  • Hạn chế thực hiện các hoạt động tác động trực tiếp lên khớp háng để hạn chế nguy cơ tổn thương và viêm bao hoạt dịch.
  • Vận động viên hoặc người làm công việc nặng nên thường xuyên chườm ấm, tắm nước ấm và xoa bóp để thư giãn xương khớp và các mô mềm.
  • Nâng vật nặng đúng cách để hạn chế tạo áp lực lớn lên khớp háng và khớp gối.
  • Thường xuyên đi lại và vận động nhẹ nhàng, đặc biệt là người làm công việc ngồi nhiều, ít vận động.
  • Kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân béo phì. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên các khớp, dẫn tới tổn thương.
  • Trước khi chơi thể thao hoặc thực hiện những hoạt động gắng sức, người bệnh nên khởi động, làm ấm cơ thể để bảo vệ cơ xương khớp khỏi tổn thương.
  • Duy trì vận động và tập thể dục, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Ăn uống lành mạnh và đủ chất: Chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp nuôi dưỡng xương khớp và mô mềm, đồng thời hạn chế các tổn thương và những rối loạn liên quan tới bao hoạt dịch.

Nguồn: tamanhhospital.vn

Vui lòng chờ trong giây lát...
Đã thêm vào giỏ hàng