CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp ngày càng phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Bệnh tăng huyết áp có thể tiến triển kéo dài và ngày càng trở nặng nếu không được điều trị và chăm sóc tốt. Từ đó có thể dẫn tới nguy cơ biến chứng và tử vong do tai biến điều trị hoặc do biến chứng nặng của bệnh. Vìvậy việc thực hiện chăm sóc người bệnh tăng huyết áp có vai trò quan trọng đến sức khỏe lâu dài của người bệnh.

1. Đặc điểm chung của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu trong các động mạch của cơ thể có chỉ số lớn hơn 140/90mmHg. Cơ chế bệnh sinh của huyết áp là do các yếu tố ảnh hưởng đến việc duy trì trị số huyết áp: sự co bóp quá mạnh của tim, cùng với áp lực máu nên thành mạch cao gây nên cao huyết áp. Hoặc khối lượng tuần hoàn tăng cao hơn bình thường hoặc mức độ đàn hồi của thành mạch co giãn kéo dài ...

Bệnh tăng huyết áp thường khó nhận biết mặc dù triệu chứng của bệnh khá đa dạng nhưng lại dễ làm nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Một số triệu chứng tăng huyết áp cụ thể bao gồm cơ thể mệt mỏi, đau đầu liên tục và có cảm giác bốc hỏa, suy giảm thị lực, nôn ói, đau tức ngực và kết hợp khó thở...

Đặc điểm của bệnh tăng huyết áp là tiến triển kéo dài và ngày càng khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn khi điều trị không đúng và chăm sóc không tốt. Hơn nữa bệnh có thể để lại nhiều di chứng nặng nề và thậm chí có thể gây ra tình trạng tử vong cho người bệnh hoặc biến chứng do điều trị. Vì vậy bệnh tăng huyết áp được phát hiện sớm và chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp tốt có thể ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

2. Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

2.1. Thực hiện chăm sóc cơ bản cho bệnh nhân tăng huyết áp

  • Người bệnh luôn được nằm nghỉ ngơi, tránh làm việc bằng trí óc quá căng thẳng, tránh những yếu tố gây nên căng thẳng, lo lắng quá độ. Tuy nhiên, người bệnh nên thực hiện các bài luyện tập nhẹ nhàng như đi bộ thư giãn, bơi lội... tránh thực hiện các bài tập mà cần vận động nhiều như các môn cử tạ, chạy bộ...
  • Người thân và bạn bè luôn động viên, trấn an để người bệnh an tâm điều trị bệnh.
  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn đặc biệt tình trạng tăng huyết áp. Bởi vì với từng trường hợp cụ thể sẽ có dấu hiệu khác biệt nhau về thời gian, chẳng hạn người bệnh cần được theo dõi huyết áp trong khoảng thời gian có thể từ 15 phút đến 2 giờ bằng một lần đo.
  • Vào mùa đông người bệnh luôn luôn phải giữ ấm cho cơ thể.
  • Người bệnh cần thực hiện ăn uống đầy đủ năng lượng cần thiết cho cơ thể, sử dụng nhiều loại thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng tốt đặc biệt là các loại thực phẩm giàu vi chất. Người bệnh nên hạn chế sử dụng muối và ngưỡng sử dụng muối trong ngày là dưới 5 gam. Người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều mỡ, chất béo động vật, các chất kích thích như rượu, bia, chè. thuốc lá.
  • Người bệnh cần được thực hiện vệ sinh sạch sẽ như vệ sinh răng miệng hàng ngày, vệ sinh cơ thể để tránh hình thành những ô nhiễm khuẩn. Phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có thể điều trị kịp thời.

2.2 Thực hiện theo y lệnh của bác sĩ đối với người bệnh tăng huyết áp

  • Thực hiện đầy đủ các y lệnh khi sử dụng thuốc điều trị với các loại thuốc uống, thuốc tiêm...Trong quá trình sử dụng thuốc nếu gặp dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay cho bác sĩ để có thể xử trí kịp thời.
  • Thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và theo dõi bệnh như công thức máu, ure, creatinin máu, điện tim, protein niệu, soi đáy mắt, siêu âm tim, chụp X quang tim phổi.

2.3. Theo dõi người bệnh tăng huyết áp

  • Thực hiện theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhiệt độ cơ thể, huyết áp, nhịp thời
  • Theo dõi kỹ hơn với tình trạng tổn thương mắt, thận và tim mạch.
  • Tình trạng sử dụng thuốc và biến chứng gây ra do thuốc có thể xảy ra, vì vậy đặc biệt chú ý theo dõi người bệnh khi thuốc có khả năng hạ huyết áp tư thế đứng hoặc các loại thuốc hạ huyết áp mạnh.
  • Theo dõi các biến chứng của tăng huyết áp có thể xảy ra và xử trí kịp thời

2.4. Giáo dục sức khỏe cho người bệnh tăng huyết áp

Bệnh nhân và người nhà được cung cấp thông tin về nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp. Từ đó, giáo dục cho các đối tượng này về các phát hiện dấu hiệu của chứng tăng huyết áp, cách phòng tránh, điều trị và theo dõi bệnh nhân tăng huyết áp.

  • Dự phòng cấp 1 với những người chưa mắc bệnh tăng huyết áp hay chưa từng bị tăng huyết áp cần lưu ý về các vấn đề sinh hoạt hàng ngày. Trong đó bao gồm các thói quen có hại cho sức khoẻ, và cần được thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện tăng huyết áp hoặc các bệnh liên quan khác. Với những đối tượng ở mức độ dự phòng cấp 1 thì cần chú ý đến các yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao cho dù những lần đầu chưa phát hiện tăng huyết áp rõ ràng. Và cần có những trao đổi tuyên truyền để phối hợp dự phòng cùng nhân viên y tế.
  • Dự phòng cấp 2 với những trường hợp người bệnh đã bị tăng huyết áp và mức độ chăm sóc cần chặt chẽ hơn trong chế độ ăn, nghỉ ngơi, theo dõi huyết áp đều đặn. Có kế hoạch điều trị ngoại trú và theo dõi tiến triển của bệnh, các tác dụng phụ của thuốc...

3. Một số lưu ý trong chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Việc đầu tiên khi chăm sóc người bệnh tăng huyết áp cần được thực hiện đó chính là duy trì một số lối sống khoa học lành mạnh. Lối sống lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát cũng như điều trị huyết áp đồng thời giúp trì hoãn và giảm nhu cầu sử dụng thuốc.

  • Tăng cường hoạt động thể lực phù hợp. Người bệnh có thể áp dụng các bài tập, vận động trong khoảng 30 phút mỗi ngày có thể giúp hạ huyết áp từ 5 đến 8 mmHg. Tuy nhiên, người bệnh cần duy trì việc luyện tập đều đặn nếu không huyết áp có thể tăng trở lại. Những bài tập khuyến khích cho người bệnh bao gồm: đi bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ... Những bài tập này nên được thảo luận trước với bác sĩ để có thể đem lại hiệu quả kiểm soát bệnh và an toàn cho người bệnh.
  • Giảm cân và duy trì cân nặng ở mức ổn định. Huyết áp tăng thường xuất hiện kèm với cân nặng tăng. Tình trạng thừa cân béo phì có thể gây gián đoạn hô hấp khi ngủ và theo thời gian có thể khiến tình trạng huyết áp tăng mạnh hơn. Vì thế những trường hợp tăng huyết áp mà bị thừa cân béo phì cần lưu ý đến giảm cân để kiểm soát huyết áp. Và với mỗi kg trọng lượng giảm có thể người bệnh sẽ giảm khoảng 1mmHg chỉ số huyết áp. Thêm vào đó, người bệnh có thể cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng theo chỉ số khối cơ thể và duy trì vòng bụng với năm giới dưới 90cm và nữ giới là dưới 80cm.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá. Thuốc lá chính là thủ phạm gây tăng huyết áp đồng thời làm tăng cao nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngưng sử dụng thuốc lá sẽ giúp huyết áp trở về trị số bình thường.
  • Giảm tình trạng căng thẳng và tập trung nhiều vào việc nghỉ ngơi, thư giãn. Căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp và bệnh có xu hướng đối phó bằng cách ăn nhiều loại thức ăn không lành mạnh. Từ đó làm cho tình trạng huyết áp ngày càng trầm trọng hơn.
  • Người bệnh cần cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Với những người bệnh khi giảm một lượng nhỏ muối trong chế độ ăn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm chỉ số huyết áp khoảng từ 5 đến 6 mmHg. Để thực hiện được việc này thì người bệnh cần chú ý đến nhãn ghi trên bao bì của các sản phẩm thực phẩm, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế bổ sung thêm muối vào các món ăn đồng thời cắt giảm dần dần lượng muối.
  • Tự theo dõi huyết áp tại nhà theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu có dấu hiệu bất thường thì cần báo ngay để được điều trị kịp thời./.

 

Nguồn: Vinmec

Vui lòng chờ trong giây lát...
Đã thêm vào giỏ hàng