RỐI LOẠN NHỊP NGẤT XỈU DO TỰ ĐỘNG UỐNG THUỐC TIM MẠCH

Tự uống thuốc trị bệnh tim mạch trong thời gian dài, bệnh nhân 65 tuổi tức ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh nhân Nguyễn Minh (Yên Bái) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng choáng váng, đánh trống ngực, khó thở, ngất xỉu. Nhịp tim người bệnh dưới 40 lần/phút (so với nhịp tim bình thường là 60-100 lần/phút), có dấu hiệu rối loạn nhịp nguy hiểm, huyết áp thấp.

Bà Minh có tiền sử tăng huyết áp, suy tim, rung nhĩ, tai biến mạch máu não nhưng không tái khám mà tự mua thêm thuốc uống theo đơn thuốc cũ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi nhiều hơn, người nhà tự lấy thuốc được gửi từ nước ngoài về cho bà uống.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh nhân bị rung nhĩ, đồng thời xuất hiện tình trạng tắc nghẽn dẫn truyền tín hiệu từ tâm nhĩ xuống tâm thất khiến tim đập rất chậm, không đảm bảo cấp máu cho các cơ quan quan trọng. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện thuốc người nhà cho bệnh nhân sử dụng là thuốc làm chậm nhịp tim, trong khi đơn trước đó của bác sĩ kê có một loại khác có tính chất tương tự. Điều này khiến nhịp tim của bệnh nhân giảm xuống mức nguy hiểm. "Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có khả năng bị rung thất, tụt huyết áp, trụy tim mạch, thậm chí tử vong", Phó giáo sư Bạch Yến nói.

 

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, đang theo dõi nhịp tim cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, đang theo dõi nhịp tim cho bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

 

Êkip can thiệp tim mạch đã hội chẩn cấp cứu, quyết định đặt máy tạo nhịp tạm thời cho bà Minh.

Dưới sự hỗ trợ của hệ thống can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA) trang bị cánh tay robot tích hợp hệ thống theo dõi nhịp tim, chỉ trong 15 phút, bác sĩ đã đưa được điện cực tạm thời vào buồng tim, kết nối điện cực này với một máy tạo nhịp tim. Máy được lập trình sẵn giúp tạo ra dòng điện kích thích đưa nhịp tim của bệnh nhân về mức bình thường. Phó giáo sư Bạch Yến cho biết, hệ thống theo dõi nhịp tim giúp bác sĩ dễ dàng xác định vị trí đặt điện cực chính xác, điều chỉnh dòng điện theo hướng cá thể hóa, đảm bảo hiệu quả cho người bệnh.

Song song đó, bác sĩ cũng điều trị suy tim đặc biệt cho bệnh nhân, tạm ngưng sử dụng thuốc làm giảm nhịp tim. Sau 2 ngày điều trị, bà Minh đã ổn định sức khỏe, nhịp tim trở về mức bình thường, được rút máy tạo nhịp và xuất viện.

Phó giáo sư Bạch Yến lưu ý, thuốc làm chậm nhịp tim có tác dụng hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim, giãn mạch thường sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, suy tim, rối loạn nhịp... Nếu sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây tụt huyết áp, nhịp tim chậm nguy hiểm. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh tim mạch, đặc biệt với người bệnh bị rối loạn nhịp, cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn. Khi thăm khám trực tiếp, bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng, thực hiện các kiểm tra cần thiết, từ đó có thể điều chỉnh liều lượng hoặc đổi thuốc, chỉ định can thiệp và tư vấn chăm sóc phù hợp.

Rối loạn nhịp là tình trạng tần số tim trở nên quá nhanh, quá chậm hoặc có ổ phát nhịp khác ngoài nút xoang khiến cho nhịp tim không còn đều. Tình trạng rối loạn nhịp có thể xảy ra từng lúc thoáng qua chỉ vài phút hoặc ngắn hơn, xuất hiện thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào trước đó. Trong các bệnh lý rối loạn nhịp, rung nhĩ là bệnh thường gặp nhất. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải những biến chứng suy tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Thống kê năm 2017, có hơn 37 triệu người mắc rung nhĩ trên thế giới. Số ca mắc tăng 33% so với 20 năm trước đó. Tỷ lệ này được dự đoán tăng hơn 60% vào năm 2050. Người bệnh rung nhĩ tăng nguy cơ mắc đột quỵ gấp 5 lần, tăng khả năng tai biến mạch máu não lên 20-30%.

 

Các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp điều trị rối loạn nhịp dưới sự hỗ trợ của hệ thống lập bản đồ điện học 3D. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Các bác sĩ khoa Tim mạch can thiệp điều trị rối loạn nhịp dưới sự hỗ trợ của hệ thống lập bản đồ điện học 3D. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

 

Theo Phó giáo sư Bạch Yến, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thường quy kỹ thuật điều trị rối loạn nhịp bằng sóng cao tần với sự hỗ trợ của hệ thống lập bản đồ điện học 3D tiên tiến trên thế giới. Kỹ thuật này giúp giải quyết triệt để các bất thường rối loạn nhịp phức tạp, cho hiệu quả trên 90%. Cụ thể, hệ thống có thể dựng hình ảnh 3D của tâm nhĩ hoặc tâm thất, tái lập bản đồ điện học cũng như giải phẫu cấu trúc buồng tim, giúp bác sĩ thực hiện chính xác thủ thuật đốt xung quanh và cô lập các tĩnh mạch phổi (nguồn gốc sinh ra cơn rung nhĩ). Đây là một kỹ thuật điều trị phức tạp, đòi hỏi hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao nên chưa được thực hiện rộng rãi ở nhiều cơ sở y tế.

* Tên nhân vật được thay đổi.

Nguồn: Vnexpress

Vui lòng chờ trong giây lát...
Đã thêm vào giỏ hàng